https://honcayeuthuong.blogspot.com

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

MÙA THU CHO M.🍁

       Tháng 8 nào cũng viết gì đó cùng quà sn cho M. 

       Mười năm trước đứng trên Cầu tình kể chuyện cho M.🍁

      Năm nay tặng M. khúc "Mùa Thu cho em" quay trên đồi Petřín - Praha.

      Gần 60% diện tích ở Praha là cây xanh, nhiều nhất trong các thủ đô châu Âu. Praha lại nằm ở thung lũng, chung quanh nó là 9 đồi cao. Chính vì vậy mà mùa thu ở Praha rất đẹp.

        Có thể nói nơi đẹp nhất mùa thu ở Praha chính là trên đồi Petřín ở trung tâm thành phố.

✍️🍁✍️

      9 năm rồi M.🍁 à... Ngẫu hứng đôi vần cho M.🍁

M. xa tôi, buổi hoàng hôn

Mười năm kẽo kẹt nỗi buồn vắt ngang

Mưa Tần, mây Sở dở dang 

Còn ai đâu nữa mà sang bến lòng ...

*

Mười năm canh cửi bên song

Dệt từng sợi nhớ, đan lòng mồ côi

Mười năm khuya khoắt xa xôi

Chân chim khóe mắt, đồi mồi thịt da...

*

Mười năm những cách cùng xa
Tóc mây rụng xuống phôi pha trang đài...
M. chờ trong tiếng thở dài
bờ hoang ngập cỏ
nét ngài…
hư hao....

✍️🍁✍️





Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

DIỄM XƯA và NHỮNG LÁ THƯ TÌNH TUYỆT TÁC💖

         Xa Huế 8 năm rồi. Nhớ Huế, rất nhớ. Thật! 

8 năm trước đưa Mẫu nhà về Huế, làm Album "Tím Huế" và "Huế một ngày đầy nắng".... Chùm ảnh sau đó được Tạp chí Sông Hương đăng lên. Clips quay ở Huế trước lúc chia tay 2016.

✍️

         Cuối tuần ngồi tiếp mấy Cô trò QH Huế. Một em hỏi "Răng anh nỏ nhớ Huế, khi mô anh về với Huế...!?"...

       Ngồi đàn ca sáo nhị, kể về Huế, về Trịnh, về Diễm xưa" với "Xin trả nợ Người"...với cả Ngô Vũ Dao Ánh_Người yêu 16 tuổi của Người ca thơ Trịnh Công Sơn...

Tb lãng đãng thg 8.2024.  

💖🎼✍️

         ...Khi ở Huế, Trịnh Công Sơn thường tới nhà Ngô Vũ Bích Diễm - người mà Chàng viết tặng ca khúc Diễm Xưa. Lúc ấy, Dao Ánh là em gái Diễm, vẫn là cô gái bé nhỏ chạy quanh chị.

         Khi biết Trịnh Công Sơn và Diễm không thể vượt qua được những cách ngăn để đến với nhau, Dao Ánh đã viết thư an ủi Trịnh Công Sơn. Bức thư đầu tiên họ gửi cho nhau vào năm 1964, khi ấy, Trịnh Công Sơn 25 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, lên dạy học ở Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Còn Ngô Vũ Dao Ánh khi ấy 16 tuổi, nữ sinh trường Đồng Khánh.

          Trong những bức thư, Dao Ánh giãi bày tình cảm, an ủi nhạc sĩ sau khi ông chia tay Diễm. Thư qua lại, họ nảy sinh tình cảm, và dường như những gì mà Trịnh Công Sơn dành cho Dao Ánh sâu đậm hơn mối tình với chị gái của bà.

          Những năm tháng ấy, Trịnh Công Sơn sống đơn độc trên một triền đồi mây mù bao phủ. Niềm vui của ông là đón nhận những bức thư từ cô gái Huế gửi tới. Có những bức thư Trịnh Công Sơn đọc đi đọc lại tới thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy, được ông gấp cẩn thận để dưới gối.

          Nhiều đêm ngủ, Trịnh Công Sơn thường mơ thấy cô gái Huế. Trong bức thư ngày 2/9/1964, ông viết: 

"Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây”.

         Những bức thư của Dao Ánh là niềm mong mỏi, là bầu bạn, nguồn động viên quan trọng với Trịnh Công Sơn trong mấy năm ông dạy học ở Lâm Đồng.

         Trong một bức thư hôm 26/2/1965, Trịnh Công Sơn viết: 

    "Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mòn mỏi của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh".

          Trịnh Công Sơn cũng thường chia sẻ với Dao Ánh về một cuốn sách ông mới đọc, một bài hát mới sáng tác, những cảm xúc trong buổi sớm, chiều tà hay đêm khuya, khi thời tiết, thiên nhiên có sự thay đổi.

         Dao Ánh là nguồn cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết nhiều ca khúc như Tuổi Đá Buồn, Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em,, Như Cánh Vạc Bay , Lời Buồn Thánh, Chiều Một Mình Qua Phố, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng.... 

          Những dòng thư năm 1965 thể hiện điều đó: 

  "Những ngày này anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru Mãi Ngàn Năm hay Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng”.

          Những bức thư mà Trịnh Công Sơn viết không chỉ thể hiện tình cảm nhớ nhung của một người con trai gửi người con gái. Ở đó, ông giãi bày nhiều suy nghĩ, tâm trạng, quan điểm của mình, qua đó, có thể cho thấy chân dung tuổi trẻ của vị nhạc sĩ tài hoa.

         Trịnh Công Sơn thường xuyên nhắc tới sự cô đơn của mình. Khi mới tới Blao, Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh: 

 "Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục. Suốt ngày im câm như một số phận không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng - tương lai”.

          Một dòng thư viết năm 1964 cho thấy Trịnh Công Sơn giai đoạn đó luôn luôn dằn vặt, trăn trở, cố định nghĩa bản thân mình: 

  "Anh có cảm giác mình là một hóa - thân - phiền - muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng”.

        Giữa căn nhà chênh vênh ở triền dốc, buổi chiều chỉ có tiếng gió hú não nuột về “ru anh ngủ”, Trịnh Công Sơn tâm sự với người yêu: 

 "Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn”.

          Những dòng thư như những vần thơ, đẹp đẽ, lãng mạn, nhưng cũng chất chứa bao suy tưởng. Bức thư viết tại Blao ngày 17/2/1965 với những con chữ đẹp và buồn nao lòng: 

  "Đêm đã dày. Trăng sáng mênh mông trên vùng đồi đã ngủ mê. Anh mong vào giấc ngủ này có năm ngón tay dài giá rét. Ánh cũng đã ngủ rồi có lẽ thế. Bây giờ anh còn ai còn ai. Ánh đã xa rồi làm sao nghe được những lời kêu rên âm thầm này, như ngôn ngữ của một loài kiến nhỏ. Anh gọi Ánh bằng niềm hư - vô - thần - thoại yêu dấu. Anh sẽ nằm nhắm mắt và ngủ, giấc ngủ có những chồi -non - ngón - tay - mùa - xuân - thần - thoại. Ôi hư vô đã đầy một đời người”.

         Trong những bức thư gửi Dao Ánh, Trịnh Công Sơn cũng thường xuyên bày tỏ những nghi ngại về cái kết hạnh phúc cho cả hai. Ông luôn tin sự tan vỡ, đau khổ là điều khó tránh khỏi. Năm 1967, nhạc sĩ chủ động chia tay Dao Ánh vì nghĩ không thể mang lại hạnh phúc như người yêu mong muốn. Dao Ánh sang Mỹ học tập, lập gia đình. Giữa hai người vẫn giữ mối quan hệ thân thiết, trân trọng nhau.

         Năm 1993, sau gần 20 năm xa cách, khi Dao Ánh và Trịnh Công Sơn gặp lại, ông viết ca khúc Xin Trả Nợ Người tặng riêng người tình Dao Ánh. 

         Bức thư cuối cùng Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh vào ngày 17/1/2001 qua email. Gần ba tháng trước khi qua đời, khi nằm trên giường bệnh, Trịnh Công Sơn không thể cầm bút viết, nhưng ông vẫn nhớ tới Dao Ánh và nhờ người đánh máy gửi thư...

✍️💖✍️

     Khúc "Xin trả nợ Người" với khung cảnh không thể đẹp hơn về mùa thu Châu Âu.

✍️🎼✍️

      Lại nhớ mối tình 50 năm với 17 ngàn lá thư của Victor Hugo và Juliette Drouet: Yêu không thể hết.
      Mặc dù Victor Hugo có một cuộc hôn nhân bền vững với người bạn thuở ấu thơ Adèle Foucher. Một cuộc hôn nhân cả Châu Âu ngưỡng mộ. Một phần vì Bà Foucher là một kiều nữ, người châm ngòi nổ cho các cuộc tình dậy lửa Châu Âu thế kỷ 19...
     Dù cho thế nào đi nữa thì Tác giả "Những người khốn khổ" cũng chưa bao giờ quên người tình Juliette Drouet, Trà hoa nữ kinh thành Paris, Nàng Thơ, cô Trợ lý, hồng nhan tri kỷ của Victor Hugo. Không có Cô trợ lý cần mẫn này thì không có "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà"... Bởi Bà đã nhặt nhạnh sàng lọc và gom góp cả núi giấy vụn viết dở của Victor Hugo. Bà tỉ mỉ ghi lại cả những lời lẩm bẩm khi viết bản thảo của Victor Hugo...
       50 năm với hơn 17 ngàn lá thư tình nhưng không hề có một nụ hôn tình ái, một cái ôm yêu thương... (Khi rảnh mình sẽ viết tỉ mỉ về câu chuyện tình này sau)....






....

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

MƯA HỒNG CHO EM💖

 Hãy đừng coi thường những kỷ niệm thuở vừa biết suy tư. Nó có thể không nhiều, nhưng nó là hiện tại của những ai có lòng chung thủy với lẽ sống ban đầu...

Có những mùa ngâu không ướt áo nhau... Nhưng làm đau năm tháng...

Tôi thích thì tôi viết thôi...

✍️💖✍️

Em bắt đền mùa Ngâu

Cớ sao ta bối rối

Tương tư nào có tội

Lại khiến tim ta đau...


Đã lỡ đi qua nhau

Còn ngoái đầu nhìn lại

Chiều dâng lên tê tái

Trong mắt người xa xăm...


Ta mắc nợ trăm năm

Một bóng hình xưa cũ

Tình ơi xin ngoan ngủ

Đừng gọi thầm tên Em...


Để từng đêm, từng đêm...

Cứ giật mình thức giấc

Nghe trong tim gió nấc

Níu vạt áo xa xăm...


Nợ trời, nợ đất... Nợ Em

Ta còn mắc nợ đến nghìn năm sau...

✍️💖✍️

Nhà chả có gì ngoài Thơ Nhạc Ảnh... Khúc "Mưa hồng" cho Em💖

✍️💖✍️
        Trong clips có một số cảnh quay ở khu Vườn hồng Paris nổi tiếng, cũng là khu bảo tồn đầu tiên trên thế giới dành cho "Nữ chúa trong số các loài hoa" được hình thành từ 13 bộ sưu tập hoa hồng và niềm đam mê của một doanh nhân thành đạt. Đầu thế kỷ 20, vườn hồng L'Haÿ les Roses ở ngoại ô phía nam Paris, là vương quốc duy nhất dành riêng cho một loài hoa, biểu tượng của sắc đẹp, tình yêu và sự quyến rũ. Trong vườn hồng Roseraie de L'Haÿ les Roses có tới 2.900 loài hoa hồng cùng khoe sắc, hương thơm từ 11.000 cây và bụi hồng làm xao xuyến lòng khách tham quan. Từ giữa tháng 5 trở đi, vườn hồng và công viên hóa thân thành sân khấu ngoài trời với rất nhiều buổi hòa nhạc, đưa khán giả đến với những chân trời nghệ thuật xa lạ. (Khi khác mình sẽ giới thiệu tỉ mỉ hơn về khu Vườn hồng này)
✍️🌹✍️