Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

HÀ NỘI NHÀ QUÊ TRONG TÔI.

Trời nghiêng gió hay em nghiêng mái tóc
Để sóng hồ cũng nghiêng cả sang em
Anh đã gặp nhiều đêm sao quên mọc
Chưa bao giờ thấy sóng nhớ lặng im…

Hà Nội nhà quê trong tôi.

        Thỉnh thoảng có người hay khoe với mình là "Người Hà nội". Mình bảo: "Chịu ! Tớ nhà quờ nên chả biết Hà nội nó ở chỗ nào". Cậu ấy khoe: "Em ở Xuân Thủy đấy anh ạ". Mình hỏi: "Cậu ở đấy có biết làng Vòng làm cốm không ?". Cậu ấy thao thao: "Người Hà nội như em biết chứ. Cốm Vòng ở trên Tây Hồ". Rồi cậu ấy thao thao với mình đủ thứ nào là năm cửa ô, phố xưa Hà nội... Mình hỏi cậu ấy có biết tầu điện không ? Cậu ấy lắc đầu. Còn mình thì biết nhảy tầu điện từ năm lớp 1 thì phải, mới gần 50 năm thôi chứ mấy.
         Nhiều người cứ thao thao về Hà nội theo những điều sách vở, như Hà Nội 5 cửa ô, 36 phố phường chẳng hạn. Tôi không biết chắc chắn Hà nội có tất cả bao nhiêu cửa ô, nhưng ít nhất tôi cũng từng lê la khắp cả chục cửa ô Hà nội. Từ Quan Chưởng, Cầu Dền, Đống Mác, Cửa Nam, Cửa Bắc, Chợ Dừa, Cầu Giấy, Yên Phụ, Đồng Lầm...

         Có thể nhiều người biết các cửa ô này, nhưng rất ít người biết tới Ô Đồng Lầm với câu "Đồng Lầm có vải nâu non". Ô Đồng Lầm chính là làng Kim Liên, gắn liền với hồ Ba mẫu và Bẩy mẫu (Công viên Thống nhất bây giờ). Các cô con gái làng Kim Liên xưa thường mài nâu nhuộm gồi, nhuộm đũi. Xong rồi khuya ra tắm tiên bên bến Lầm (hồ Bẩy mẫu). Một lần ông Ba giai mới giả làm ông thầy mù nhờ các cô dắt qua cầu vào Ô Đồng Lầm. Qua cầu xong các cô bảo: "Thấy cứ rẽ lối này là tới". Bấy giờ ông Ba giai mới mở mắt ra, cầm ba toong chỉ vào chỗ "ấy" của các cô rồi hỏi lại "Rẽ vào chỗ này ấy à ?". Chuyện loang ra, từ đấy gái làng Kim Liên bỏ nghề nhuộm nâu. Sau dân làng mời một thầy địa lý về đặt mạch cho làng.


         Nguyện vọng của dân làng muốn có cái nghề cao sang để mở mày mở mặt với thiên hạ. Thế đất ấy không có mạch phát, nên ông thầy địa lý đặt mạch cho con trai chuyên nghề hớt tóc. Con gái chuyên nghề hái rau muống, gọi là "Vít đầu, cấu cổ". Thế nên ông tổ nghề cát tóc bây giờ là ở làng Kim Liên. Thời bao cấp thì các cửa hàng cắt tóc Quốc doanh hầu hết là người làng Kim Liên. Cách đây hơn chục năm, hồi rục rịch mở dường Kim Liên mới người ta cũng định để đoạn hè đối diện khu Chuyên gia (Khách sạn Kim Liên và Tru sở Ocean Bank bây giờ) làm phố cắt tóc để giữ truyền thống làng nghề. Nhưng thị hiếu tiêu dùng thay đổi như cơn lộc nên dự án không thành.

         Còn ngày xưa rau muống Kim liên ngon nổi tiếng, được cung cấp đến hầu hết các cửa hàng rau hoa quả của Hà Nội. Rau muống Kim Liên là rau sơ thả trên các mặt hồ trải dọc từ đầu làng Kim lên theo chân đê La Thành tới tận cửa đình Kim Hoa. Ngoài ra còn có Hồ Tròn và Hồ Dài, đằng sau Trường cấp 1,2 Kim Liên giáp với khu chuyên gia (Chỗ nhà A8). Còn Hồ Chiến Thắng nối thông hồ Dài không thả vì đấy là chỗ lọc nước và đặt trạm bơm Phương Mai (Cống Phương mai) để bơm nước đề phòng ùng ngập.nước. Sơ rau ban đầu được đánh đống ủ vài ba ngày, khi trắng rễ và thói lá thì bấy giờ các bà các chị mới chất xuống thuyền rải đều ra khắp mặt hồ. Sau vài chục ngày những cọng rau non mỡn dài độ 30cm được thu hái. Hái liên tục, chả đạm phân gì mà ra cữ nõn ra thôi. Được độ dăm lứa thì thì cắt "đùi gà" rồi vớt sơ lên ủ đống chuẩn bị cho lứa mới. Đùi gà muống là chỗ bị cấu nhiều lần, rau sùi ra một cục to bằng ngón tay cái. Loại này luộc tới chấm măm tỏi chanh ớt thì thôi rồi nước bọt ơi ! bùi quên chết, nhai chả muốn nuốt vì tiếc. Những hôm vớt sơ thì tha hồ mà bắt cá. Phơi mặt hồ, cá hết chỗ nấp nên chạy tứ tung, hoặc rúc bùn. Những lúc này đánh ba tiêu, kéo dây, kéo vó kiếm dăm bẩy cân cá ngon ơ. Các bà các chị đi thả rau quanh ao hồ Hà Nội như Văn Chương, Linh Quang, Hoàng Càu, sông Lừ, sông Sét...


         Tuổi thơ tôi mon men nhảy tầu từ bé cùng với các kiểu lang thang nghịch ngợm nên Hà Nội với tôi thân thuộc lắm.

         Hà nội với tôi muôn thuở là Hà nội xưa. Một Hà nội nho nhỏ xinh xinh. Một Hà nội đến Vọng, đến Mơ, đến Giảng võ, đến dốc Yên phụ thôi. Hà nội ngày xưa với nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm, lạc rang húng lìu Bà Triệu, vằn thắn Văn Miếu, táo dầm Yên phụ... Những quân Khương Thượng "chặt đầu lột da", Trụng tự "nước vo la cà chum vại"... Rồi thế nào là "2 quăn 3 róc" với "5 sàng 7 giã" và "rót, non, già" của dân làng Vòng với cốm cùng cái cổng Đa Lộc lồi vào làng.... Rồi "Gái Định công cho không chẳng đắt, trai Đại kim chim vàng cũng vứt" hay là "Gái làng Lủ chó rủ cũng đi"... Làng Lủ ngày xưa chính là làng Đại Kim đối diện Sơn tổng hợp qua cây cầu sắt con con, đi lối Thuốc lá Thăng long thì vào sâu trong vài cây số. Người ta bây giờ nhắc làng Lủ với nghề kẹo bỏng, nhưng ít người biết làng Lủ còn một nghề nữa đó là làng nghề bánh đa khoai lang. Trai làng Lủ (Đại Kim) thường quanh năm ngồi bệt giã khoai lang nên tay thì như cái phích còn chân lại như ống sậy thế nên "của ấy" có dát vàng cũng vứt... Những chuyện này tôi sẽ kể vào một dịp khác. Làng Lủ với Định công bây giờ toàn những biệt thự long lanh và chung cư cao tầng ngút mắt rồi.

         Bây giờ tôi kể chuyện cốm làng Vòng.

         Tôi biết đến làng Vòng làm cốm cũng do tình cờ thôi. Hôm ấy cả lũ bọn tôi đang đạp xe lang thang xuống Ngã tư khổ (Bọn tôi hay gọi Ngã tư sở bằng cái tên ấy đấy, hay gọi Ô Chợ Dừa là Ô chị Dậu...) nhìn thấy một em ngon mắt tôi bảo: "Cốm kìa !", cả hội nhao lên: "Cốm ngon quá". Một cậu ngây ngô: "Cốm đâu mà cốm, chuối đấy chứ !" Cả bọn tôi cười suýt chết, làm em hàng chuối đỏ hết cả mặt. Tôi sà xuống hỏi mua. Em bảo em mua chuối về để ngày mai mọi người gánh đi bán với cốm. Hỏi ra mới biết em gái làng Vòng chính hiệu. Tôi lẽo đẽo theo sau em, xin chở em em về, em nhất định không cho. Mãi đến chỗ cống Hòa Mục em đồng ý ngồi lên xe. Em đồng ý là bởi vì nghe tôi kể có cậu bạn cùng lớp K21BK tên là Hà "dề". Em bảo đấy là anh con bác em. Bây giờ làng Yên Hòa thành khu đô thị rồi. Chứ ngày xưa để đi sang làng Vòng toàn đi xuyên qua làng Yên Hòa chứ chẳng ai đi cái đường Cầu giấy, Mai dịch cho chết xa. Thả em ở đầu cổng làng chứ nhất định em không cho đèo vào trong làng, vì em sợ dân làng bàn tán. Ngày đấy con gái ý tứ thế chứ. Bây giờ thì các em còn thuộc nhà nghỉ hơn cả anh.

         Tôi vào nhà Hà chơi. Mẹ Hà thấy tôi vào chơi thì quý lắm, vì thi thoảng tôi cũng cho Hà mấy thứ lặt vặt như đôi pin, gói chè, chai nước mắm.. với lại mang tiếng giai thành phố lại con em cán bộ. Khi tôi hỏi về Hiền và muốn sang chơi thì bà mẹ Hà rất vui và xoắn đáo lắm. Trước khi ra về tôi hẹn mọi người mấy hôm sau sẽ dẫn bạn bè đến để cung tham gia làm cốm. Mấy hôm sau tôi dẫn mấy cô bạn thân trong lớp đến nhà Hiền.


         Làm ra hạt gạo đổ mồ hôi một thì làm ra hạt cốm đổ cả trăm giọt mồ hôi. Người ta chọn nếp cái hoa vàng còn ngậm sữa vừa mới cong cần, cắt về nhà rồi dùng đũa tre tuốt hạt đem rửa sạch. Hạt nào nổi là lép vớt bỏ đi, sau đem phơi chỗ mát cho se hạt rồi mới bắc chảo xào nhỏ lửa, đảo liên tục cho đều. Khi nào nhón mấy hạt ra đem miết trên tay thấy cứ 3 hạt róc vỏ, 2 hạt còn quăn thì cho vào cối giã. Giã một hồi lại đổ ra sàng sẩy trấu. Ngươi ta cứ bảo "5 sàng 7 giã", chứ tôi thấy cả chục lần ấy… Xong xuôi đâu đấy thì mới rót cốm bằng cách lấy ca rót cốm từ trên cao xuống. Hớt ngọn lấy cốm rót ngon nhất, vạt chung quanh lấy cốm non, còn đáy là cốm già. Hồi đấy tôi thấy nhà Hiền thường hồ cốm bằng nước mạ non hay lá dứa luộc chín cho cốm bóng và mướt hạt. Tôi phụ củi lửa đến toét cả mắt, vì mình đã bao giờ đun bếp to như thế đâu. Cô bạn mình rặm lúa nếp mẩn hết cả chân tay mặt mày. May mà mẹ Hiền lấy cơm nếp còn nóng lăn lên những chỗ mẩn mới hết đấy. Tôi về kể chuyện này như một chiến công với mẹ thì mẹ tôi xót  "Người ta" cho tôi một cái cốc đau đến tận bây giờ. Sao bố tôi đánh tôi ầm ầm mà tôi chả thấy đau gì cả nhỉ ?. Mà mẹ tôi chỉ cốc tôi một cái tôi đã thấy đau đến rúm ró cả chân tay. Có lẽ tôi thương mẹ tôi nhiều lắm vì bà quá vất vả bởi cái tội nghịch của tôi.

         Sau này làng Vòng và làng Yên Hòa bị giải tỏa thì dân Mễ Trì làm thuê mang nghề cốm này về. Bây giờ làng Mễ Trì cũng chả còn mấy ruộng nữa nên muốn làm cốm họ phải sang tận Đông Anh, Sóc Sơn mua lúa non về làm.

        Chửa kịp chớp mắt đã hơn ba chục năm vèo qua. Thu chớm về gió gọi lá vu vơ. Đêm sương mờ lang thang lại nhớ hương cốm thơm quện vị bùi bùi mà ăn với chuối trứng cuốc thì tuyệt vời làm sao. Hai dứa chia đôi quả chuối, rồi tranh nhau từng nhúm cốm trong veo, xanh đến ngơ ngác xanh, xanh như nỗi nhớ một thời Hà Nội nhà quê mãi trong tôi. Có nhẽ vì thế mà tôi cứ hay bảo tôi là nhà quờ.


         Viết cho những ai nhớ Hà Nội - Mùa thu 2011 – Bài cũ đăng lại – Nguyễn…
✍️








8 nhận xét:

  1. Em tem phát rùi chạy. chút đọc sau. hí hí

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Sỏi anh ấy căng dây rình ngoài cổng đấy, cẩn thận kẻo té em à. Nhận Tem Kim cương đã nè, Tám ui..

      Xóa
  2. em chẳng nhớ Hà nội đâu, nhưng anh viết , thì cả những người k biết gì về Hà nội như em, cũng muốn đọc để hiểu vì sao người ta yêu Hà nội đến như vậy.
    em đọc rồi, đọc rất chậm nha. Em thưa thiệt luôn là em chỉ thấy cốm gì đó qua...ảnh thôi, à, qua mấy món ăn chiên chiên cuộn cuộn gì đó thi thoảng em có ăn. thế thôi anh ạ. Hồi đó em còn tưởng nó là nếp nhuộm lá dứa nữa kìa. hì hì
    Anh viết hay quá. Em mặc dù đc bạn bè khuyến cáo đừng ra Hà nội nếu không muốn bị chặt chém và nghe chửi, nhưng em nhất định sẽ ra.
    Vì những bài viết như anh viết vậy á. hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng ra thăm thú Hà Nội vào dịp cuối thu là tuyệt vời nhất. Nhưng nhỏ nhà em còn bận học, sao má đi được đúng không ?. Vậy nên để hè sang năm đi. Khi ấy anh cũng xuôi Nam thăm thú bạn bè. Bạn học tụi anh và bạn quân ngũ cùng bạn thuở thiếu thời trong đó nhiều lắm. Anh cùng mấy cô bạn thân sẽ mời mẹ con em ra thăm thú Hà Nội. Đi bằng xe nhà thôi em à. Vừa đi vừa nghỉ vừa thăm thú thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng. Má con em chỉ cần chuẩn bị tinh thần và sức khỏe cho chuyến đi quãng 15 ngày thôi à. Mọi thứ anh và các chị lo. 30/4 vừa rồi bọn anh tổ chức họp mặt lớp trong SG, xuôi miền Tây, đi Củ chi... cả chục ngày luôn, chả bạn nào phải bỏ xu nào cả. Có bạn định không đi, anh ấn vé vào tay bắt đi. Các Mạnh thường quân trong lớp lo hết rồi. Đợt đấy anh vướng tin buồn nên không đi cùng các bạn được. Còn thì năm nào anh cũng xuyên Việt đôi ba lần thăm thú bạn bè. Đợt vừa rồi anh cũng vào Huế dự lễ Vu Lan tại chùa Từ Đàm theo lời mời đặc biệt, rồi vào chia buồn cùng cô bạn học ở Đà Nẵng, chống bạn ấy mất được 50 ngày.. Xe nhà 16 chỗ có 5 người cả vợ chồng lái xe thôi. Những chuyến đi như thế này thú vị vô cùng em à.

      Xóa
  3. ""Gái làng lủ chó rủ cũng đi""
    Vợ Sỏi là gái làng lủ đấy, vậy thì Sỏi là chó à... Chết mất...!

    Há há!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu ví này xưa lắm rồi anh Sỏi à. Thời anh em mình lấy vợ thì gái làng Lủ có giá đấy, vì họ thường là công nhân khu cao xà lá, toàn mặt hàng chiến lược đấy. Hồi đấy Săm lốp xe đạp, xà phòng, thuốc lá có giá lắm.

      Xóa
  4. Nhưng mà lại có thằng chó khác nó rủ đi tiếp rùi ...hahas!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế có khi là may đấy anh à. Tái ông thất mã mà, trong cái rủi lại có cái may.

      Xóa

Trân trọng những ý kiến đóng góp chân thành của Qúy vị. Xin cảm ơn !

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.